Trang thông tin điện tử xã Khánh Cư
Chào mừng bạn đến với Website xã Khánh Cư - huyện Yên khánh- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
88832

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 66

Hôm qua: 0

Bài tuyên truyền Quy trình về xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai

Thứ năm, 16/06/2022

Trong thời gian qua công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Yên Khánh nói chung và xã Khánh Cư nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đi vào nề nếp, quá trình xử lý chưa chặt chẽ, quy trình xử lý còn chưa đảm bảo về thời gian xử lý, việc xác định hành vi vi phạm hành chính còn lúng túng. Đặc biệt là trong quá trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Để cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ vấn đề về quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai UBND xã Khánh Cư tuyên truyền nội dung trên như sau:

1. CÁC VĂN BẢN LÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);

- Luật Đất đai năm 2013;

- Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất;

- Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thuỷ văn; đo đạc và bản đồ;

- Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Bước 1: Xác định hành vi vi phạm Khi phát hiện có hành vi vi phạm, trước khi tiến hành lập biên bản thì người có thẩm quyền lập biên bản làm việc với tổ chức, cá nhân vi phạm để nghi nhận sự việc, đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm cung cấp các loại hồ sơ, tài liệu có liên quan về quyền sử dụng đất để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính, trong quá trình làm việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người vi phạm dừng, chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (nên lập thành Biên bản ghi nhận việc cá nhân, tổ chức đã chấm dứt hành vi (dừng thi công, dừng san ủi...), hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục như tự nguyện tháo dỡ ...) nội dung làm việc phải được thể hiện bằng biên bản. Nếu tổ chức, cá nhân không tự nguyện thực hiện thì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính theo trình tự dưới đây.

Bước 2: Lập biên bản kiểm tra hiện trạng/Biên bản ghi nhận hiện trường Sau khi làm việc với tổ chức, cá nhân vi phạm, người có thẩm quyền lập biên bản ghi nhận hiện trạng vụ việc vi phạm hành chính (biên bản hiện trạng phải thể hiện rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, giới tính, ngày, tháng, năm sinh của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ, người đại diện, chức vụ của tổ chức vi phạm, diện tịch vi phạm, giấy tờ liên quan về nhà và đất, vị trí vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm và xác lập hành vi vi phạm).

Bước 3: Lập biên bản vi phạm hành chính Sau khi xác lập hành vi vi phạm người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); theo mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, giới tính, ngày, tháng, năm sinh của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ, người đại diện, chức vụ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

- Trong trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc có tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ, nếu biên bản gồm nhiều tờ, thì người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải ký vào từng tờ biên bản.

- Biên bản vi phạm hành chính phải được lập ít nhất làm 02 bản. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận biên bản vi phạm hành chính phải có biên bản về việc giao nhận biên bản vi phạm hành chính.

- Trong trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu không chấp hành việc đình chỉ thi công, cán bộ Tổ quản lý trật tự xây dựng tham mưu kịp thời cho người có thẩm quyền ban hành Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tiếp tục xử lý theo đúng quy định của pháp luật. (Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ)

Bước 4: Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày làm việc và 10 ngày làm việc đối với vụ việc phải chuyển hồ sơ, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (trừ những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và 5 khoản 3 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản).

Bước 5: Gửi, thi hành quyết định xử phạt hành chính (Điều 70, 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

- Tổ chức, cá nhân được giao nhiện vụ tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải gửi Quyết định XPHC cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định (gửi thư bảo đảm hoặc gửi trực tiếp (phải lập biên bản có ký nhận giữa người giao quyết định và cá nhân/tổ chức bị xử phạt; trường hợp họ không nhận thì lập biên bản theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ). Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

- Cá nhân/tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định XPVPHC trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định XPVPHC (tính theo ngày nhận ký ở biên bản giao nhận hoặc ký nhận ở phiếu gửi bảo đảm). Trường hợp Quyết định XPVPHC quy định ngày thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ghi trong Quyết định XPVPHC đó. Lưu ý: Sau mười ngày (10 ngày) kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa thi hành thì người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện đôn đốc thi hành Quyết định, mỗi lần đôn đốc đều lập biên bản, ký xác nhận (ký của người đôn đốc, ký người vi phạm, nếu người vi phạm không ký thì ghi rõ lý do và mời trưởng thôn, tổ dân

phố hoặc người chứng kiến ký (để chứng kiến cho việc công chức được giao nhiệm vụ đã đôn đốc cá nhân/ tổ chức thi hành quyết định).

Bước 6: Ban hành Quyết định cưỡng chế. Sau khi hết thời hạn được thể hiện trong Quyết định xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả …. thì người có thẩm quyền ban hành Quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật, Quyết định cưỡng chế được ban hành theo mẫu tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐCP ngày 23/12/2021 của Chính phủ.

Bước 7: Gửi quyết định cưỡng chế 6 Đơn vị được giao tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bàn giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết (Thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)). Việc gửi quyết định cưỡng chế được thực hiện theo Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Bước 8: Thi hành quyết định cưỡng chế Trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các phòng Tư pháp, Thanh Tra, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính – Kế hoạch, Quản lý đô thị, Kinh tế, Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng, Công an thị xã và UBND các xã, phường; sau khi nhận được bản dự thảo kế hoạch, phương án cưỡng chế và toàn bộ hồ sơ vụ việc của cơ quan chủ trì, trong thời hạn 7 ngày phải tham gia ý kiến, góp ý bổ sung gửi về cho cơ quan chủ trì để hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, nếu sau thời hạn trên mà các cơ quan không phản hồi thì xem như đồng ý với kế hoạch, phương án.

Trên đây là nội dung Quy trình xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, UBND xã Khánh Cư tuyên truyền để cho nhân dân được biết./.

Bài viết khác