Trang thông tin điện tử xã Khánh Cư
Chào mừng bạn đến với Website xã Khánh Cư - huyện Yên khánh- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
89573

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 25

Hôm qua: 0

Triển khai Mô hình xây dựng xã thông minh trên địa bàn xã Khánh Cư

Thứ sáu, 05/05/2023

Trong bối cảnh việc phát triển đô thị thông minh đang từng bước được triển khai tại các địa phương, việc xây dựng xã thông minh nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn; đồng thời, nâng cao kỹ năng số cho người dân để mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của xã trên môi trường số.

Thực hiện chương trình xây dựng huyện Yên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Xã Khánh Cư được chọn là 1 trong 2 xã làm điểm xây dựng mô hình xã thông minh trên địa bàn huyện Yên Khánh.

Theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, các đối tượng tham gia trong Mô hình xã thông minh bao gồm: Công chức xã; người dân; du khách, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong đó, công chức xã là những người tiên phong của xã trong việc thay đổi cách thức quản lý, phục vụ và giao tiếp với người dân thông qua công nghệ số; người dân là những người trực tiếp hưởng thụ các dịch vụ của chính quyền, trực tiếp tham gia và làm thay đổi cách thức quảng bá, tiếp thị, mua bán và phân phối hàng hóa theo cách truyền thống trước đây bằng việc ứng dụng công nghệ số; du khách, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã là những đối tượng thụ hưởng dịch vụ và cũng tham gia vào quá trình giao dịch với người dân và chính quyền thông qua các công nghệ số.

Các thành phần trong mô hình xã thông minh bao gồm: Chính quyền xã thông minh; Giao tiếp người dân; Thương mại điện tử; Dịch vụ xã hội; Du lịch; Quảng bá – Thương hiệu.


Mô hình tổng thể các thành phần của xã thông minh

Điểm đặc biệt là các thành phần tham gia Mô hình xã thông minh đều phải tăng cường, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý; trong giao tiếp, tương tác với người dân; trong quảng bá, tiếp thị, cung cấp các dịch vụ xã hội…

Cụ thể như, chính quyền xã phải ứng dụng các phần mềm dùng chung với cấp huyện, cấp tỉnh (phần mềm quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện tử,...) để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền. Triển khai ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ thêm cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã như: Phần mềm quản lý tài sản, phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản lý nhân sự,.... Thiết lập trang thông tin điện tử riêng của xã hoặc là một trang thành phần thuộc cổng thông tin điện tử của UBND huyện/tỉnh để cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền xã, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và quảng bá về hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng của xã. Cán bộ, công chức xã tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội của Việt Nam,…

Chính quyền, công chức xã thực hiện giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số như sử dụng loa truyền thanh thông minh không dây; ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm… Thiết lập kênh giao tiếp chính thức trên các mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo,…) để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân trong xã và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội, sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử.

Ứng dụng công nghệ số để quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương; xác định các kênh trực tuyến để quảng bá hình ảnh, sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương trên môi trường mạng (các website, diễn đàn, ứng dụng di động về du lịch,…); xây dựng các phần mềm thuyết minh về các di tích lịch sử, di sản văn hóa, về quy trình, công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề của địa phương; kết nối, liên kết với các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh và trên môi trường mạng để quảng bá, tổ chức các tour du lịch theo chu trình khép kín từ tham quan, trải nghiệm, mua sắm, ăn uống,… cho du khách tại địa phương, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh để phục vụ du khách.

Ứng dụng công nghệ số trong cung cấp các dịch vụ xã hội để phục vụ và hỗ trợ người dân tốt hơn, giúp người dân cảm nhận được sự chuyển đổi trong môi trường mình sinh sống so với trước. Đó là, thực hiện kết nối trạm y tế của xã với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Trung ương để người dân trong xã được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh trực tuyến,…; cung cấp, cập nhật thông tin về các mô hình làm nông nghiệp mới như nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh dựa trên công nghệ số giúp tăng cao năng suất nông sản, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác hại từ các yếu tố thời tiết, môi trường,…; xây dựng ứng dụng giúp truy xuất nguồn gốc và tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm; xây dựng môi trường xã văn minh, xanh, sạch, đẹp…

Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh về mô hình xã thông minh, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, dịch vụ du lịch của địa phương trên môi trường mạng. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung của xã trên môi trường mạng (đặt trên trang thông tin điện tử của xã, trên các kênh truyền thông trực tuyến chính thức của xã, trên fanpage của xã trên mạng xã hội,...). Thiết lập các kênh quảng bá về mô hình xây dựng xã thông minh (trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện, trên các mạng xã hội, fanpage Smart Vietnam,...) để truyền cảm hứng và lan tỏa đến các xã, địa phương khác. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã tạo và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình…

Thực hiện: Văn hóa thông tin

Bài viết khác