Trang thông tin điện tử xã Khánh Cư
Chào mừng bạn đến với Website xã Khánh Cư - huyện Yên khánh- tỉnh Ninh Bình

Hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa Đông Xuân phòng, chống ngộ độc hữu cơ và phương pháp gieo mạ cho lúa Mùa

Thứ năm, 20/06/2024

HƯỚNG DẪN

Kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa Đông Xuân

phòng, chống ngộ độc hữu cơ và phương pháp gieo mạ cho lúa Mùa

 

 
 

 

                                                                  

I. KỸ THUẬT XỬ LÝ RƠM, RẠ

- Khi thu hoạch lúa Đông Xuân không nên để lại gốc rạ trên ruộng quá dài. Thu hoạch đến đâu thực hiện vệ sinh đồng ruộng và cày vùi gốc rạ ngay đến đó.

- Trước khi cày bừa bón vôi bột với lượng 15 - 25 kg/sào (tùy theo chân đất) nhằm giúp phân hủy nhanh gốc rạ, khử chua đất, hạn chế nguồn bệnh ngay từ đầu vụ.

- Ngoài ra, có thể áp dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ như phân vi sinh Azotobacterin, Sumitri, AT-YTB... Cách làm như sau:

1. Phân vi sinh Azotobacterin

- Là loại phân kết hợp nhiều chủng vi sinh vật hữu ích, khi rắc vào ruộng đã cày ngập nước có tác dụng phân giải nhanh các chất xơ như rơm rạ, làm đất tơi xốp, thoáng khí, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ Mùa.

- Lượng dùng: 7-10 kg/sào

- Cách dùng: Sau khi thu hoạch rắc mỗi sào từ 7 - 10 kg rồi tiến hành cày dầm hoặc lồng dập rạ và giữ nước 7 - 10 ngày là bừa cấy được.

2. Chế phẩm Sumitri

- Thành phần gồm: Trichoderma, Acid Humic, Acid Fulvic và các chất dinh dưỡng vi lượng: Mg, S, Ca, Zn, Cu… Có tác dụng phân hủy nhanh rơm rạ, ngăn hiện tượng ngộ độc hữu cơ, kích thích sự phát triển của bộ rễ cây trồng, đối kháng đối với các Vi sinh vật gây hại giúp hạn chế bệnh, đồng thời bổ sung dinh dưỡng vi lượng cho cây trồng.

- Lượng dùng: Dùng 100 - 150 gram/sào.

- Cách dùng: Trộn đều chế phẩm với cát sạch, sau đó rắc đều hỗn hợp vừa trộn vào ruộng. Giữ nước 7 - 10 ngày rồi bừa cấy.

3. Chế phẩm AT-YTB

- Thành phần: Bao gồm nhiều vi sinh vật hữu ích như vsv phân giải chất hữu cơ, vsv cố định đạm... Có tác dụng phân hủy nhanh rơm rạ, chất hữu cơ để tạo mùn làm đất tơi xốp.

- Lượng dùng: 1 túi 200g/sào

- Cách dùng: Rắc đều chế phẩm AT-YTB trên bề mặt ruộng đã ngâm nước sau đó bừa ngả, vi sinh vật sẽ được trộn đều vào bùn cấy. Sau 5 - 7 ngày là có thể bừa cấy được.

4. Các chế phẩm khác: Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

II. KỸ THUẬT GIEO MẠ MÙA

1. Thời vụ gieo

- Trà mùa sớm: Lựa chọn các giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 90 - 105 ngày như: QR1, ND502, DQ11, TBR 279, Nếp 97, Thiên ưu 8, Hương thơm số 1, Khang dân 18, Q5... Tiến hành gieo mạ dược từ ngày 01/6 - 10/6, gieo mạ nền hoặc gieo khay, cấy máy; Cấy tập trung: Từ ngày 15/6 - 25/6, xong trước ngày 05/7; Thu hoạch: Trước ngày 30/9 để có đất trồng các cây vụ Đông.

- Trà mùa trung: Lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng từ 100 - 115 ngày với các giống: TBR 225 (có gen kháng bạc lá), BC15 (có gen kháng đạo ôn), DQ11, QR1, Hương Bình, ND502, Nếp 97, Nếp Hương, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8, TBR 279, TBR 89, TBR 97, JO3, Khang dân 18, Hương thơm số 1… Tiến hành gieo mạ từ ngày 15/6 - 20/6, gieo mạ nền hoặc gieo khay cấy máy; Thời gian cấy: Cấy càng sớm càng tốt, phấn đấu xong trước ngày 25/7.

- Trà mùa muộn: Gieo mạ từ ngày 01/6 - 10/6, cấy xong trước ngày 25/7, các giống chủ yếu: Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám, Dự. Đối với gieo thẳng: Chỉ bố trí trên những diện tích chủ động tưới tiêu, gọn vùng, liền khoảnh để hạn chế ảnh hưởng cực đoan của thời tiết.

Thời vụ gieo thẳng: Trà mùa sớm xong trước 05/7; Trà mùa trung xong trước 10/7.

Lưu ý: Gieo tăng 10% lượng mạ dự phòng và chủ động dự phòng các giống ngắn ngày để đề phòng do những diễn biến bất thường của thời tiết gây ra.

2. Kỹ thuật ngâm ủ, gieo, chăm sóc mạ mùa

2.1. Kỹ thuật ngâm ủ thóc giống

a) Lượng giống gieo (cho 1 sào ruộng cấy):

 Tùy thuộc vào phương thức sản xuất để xác định lượng giống gieo cho phù hợp. Đối với lúa lai lượng giống gieo từ 0,8 - 1kg, đối với lúa thuần lượng giống gieo  từ 1,2 - 2kg cho 1 sào.

b) Ngâm ủ:

Hạt giống trước khi ngâm cần xử lý để loại bỏ hết hạt lép, lửng, cỏ dại, tạp chất và 1 số nấm bệnh còn tồn dư trên vỏ trấu bằng dung  dịch  nước muối 15%: Pha 1,5 kg muối ăn hòa với 10 lít nước sạch, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ 1 phần thóc 3 phần nước, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch, tiếp tục ngâm với nước sạch.

Về thời gian ngâm hạt giống: Đối với lúa lai ngâm từ 12 - 18 tiếng, với lúa thuần ngâm từ 30 - 36 tiếng.

Trong quá trình ngâm cứ 5 - 6 tiếng cần vớt hạt giống ra rửa kỹ và thay nước mới do trong quá trình ngâm hạt giống hô hấp hiếm khí, thiếu ôxi làm nước bị chua đây cũng là tác nhân làm giảm tỷ lệ nảy mầm của hạt giống.

Sau khi ngâm hạt giống no nước thì vớt hạt giống ra đãi sạch để ráo nước, sau đó cho vào thúng, rổ rá hoặc túi vải có khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt, tuyệt đối không dùng bao nilon kín, khó thoát nước và bí hơi. Vụ mùa cần ủ ở nơi thoáng mát. Trong quá trình ủ phải thường xuyên kiểm tra để đảo đều hạt giống

Khi hạt giống nảy mầm, thấy mầm dài, rễ ngắn thì cần bổ sung thêm nước vào và đảo trộn hạt giống rồi tiếp tục ủ thúc rễ phát triển. Ngược lại nếu thấy mầm quá ngắn, rễ lại dài thì phải đảo trộn hạt giống từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống, từ dưới lên để cung cấp dưỡng khí cho mầm phát triển.

2.2. Kỹ thuật gieo và chăm sóc mạ

a) Gieo và chăm sóc mạ khay

- Phối trộn giá thể: phối trộn 1000kg giá thể theo công thức: đất màu 700kg + phân gia cầm mục 180kg  + mùn cưa gỗ keo mục 100kg + tro bếp 15kg + 5kg NPK.

- Mộng mạ và rễ nhú khoảng 1mm (nứt nanh gai dứa) thì đem gieo trên khay nhựa. Gieo xong xếp khay mạ đó thành từng chồng khoảng 25 - 35 khay rồi đem vào nhà ủ cho mạ tiếp tục mọc qua lớp đất mặt và kích thích mạ mọc đều trong khay. Khi mầm mọc “mũi chông” đội khỏi mặt lớp đất phủ khoảng 1 -  1,5cm (vụ mùa khoảng 2 ngày 1 đêm) thì đưa mạ ra khu vực chăm sóc đến lúc cấy.

- Ruộng nuôi mạ: làm đất thành từng luống, mặt luống bằng phằng, nền cứng (để tránh hiện tượng mặt luống nhão khu đặt khay mạ sẽ bị chìm) có bề rộng từ 1,5 - 2m, phẳng mặt, rãnh mạ sâu từ 15 - 20cm, rộng 25 - 30cm. Khay mạ được xếp thành 3 - 4 hàng sát nhau, đặt xong khay mạ mới tạo rãnh. Đưa nước vào rãnh luống mạ giữ mực nước từ 2/3 đến bằng mặt rãnh luống nhằm tạo ẩm cho mặt luống trong suốt quá trình chăm sóc không để mạ bị khô se mặt luống hay bị ngập úng. Cứ 1 - 2 ngày đưa nước vào ruộng mạ một lần, mực nước từ 0,5 - 1cm trên mặt luống trong vòng 2 - 3 giờ, sau đó rút nước để ở mức 2/3 rãnh.

- Sử dụng lưới đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng đến khi mạ được 1 lá thật thì bỏ lưới che ra.

- Tiêu chuẩn mạ khay: số lá từ 2,5 - 3 lá; chiều cao từ 15 - 17cm; rễ mạ trắng, ăn kín đều trong khay; cứng cây; đanh dảnh; sạch sâu bệnh; tuổi mạ từ 8 -10 ngày.

b) Gieo và chăm sóc mạ dược, mạ dầy xúc

          Chọn chân đất tốt, chủ động về tưới tiêu. Đất được cầy bừa kỹ nhuyễn phẳng và sạch cỏ dại kết hợp với bón lót 200 - 300kg phần chuồng hoai mục + 13 - 15 kg Supe lân cho 1 sào mạ, vét rãnh, lên luống rộng từ 1 - 1,2 m.

          Diện tích gieo mạ để cấy cho 1 sào từ 15 - 20m2.

Trước khi gieo dùng đòn ống san cho mặt luống phẳng dốc về 2 bên rãnh luống rồi tiến hành gieo mạ. Mạ gieo cần ném ngửa tay, tránh để hạt giống chìm quá sâu trong bùn. Chia lượng giống làm 2 - 3 phần để gieo đi gieo lại 2 - 3 lần cho hạt giống phân bổ đều trên mặt luống.

- Sau khi gieo hạt luôn giữ nước cho mặt luống ẩm, tuyệt đối không để mặt luống khô, đọng nước.

- Tiêu chuẩn đối với mạ dược: Cây mạ non đạt 4 - 4,5 lá, cứng cây, đanh dảnh, không bị sâu bệnh, có màu sắc đặc trưng, cây mạ non và hạt thóc không tách rời nhau, bộ rễ không bị tổn thương.

c) Gieo và chăm sóc mạ cải tiến

- Chuẩn bị tấm lót kích thước 0,3x0,5m, có thể dùng vỏ bao xi măng, bao đựng thóc giống, đục lỗ với khoảng cách 3 - 5cm lỗ đục nhỏ như hạt thóc là vừa, nhằm tạo độ thoáng, thoát nước và hạn chế rễ mạ ăn xuống. Phủ lớp bùn dày 1-  1,5cm lên tấm lót (không lấy bùn ao tù, yếm khí, tốt nhất lấy bùn trước 3 - 5 ngày để thoát khí độc). Diện tích 4 - 5m2  bón 1kg phân vi sinh + 300gam NPK (nên dùng loại 5:10:3).

- Mộng mạ đạt rễ dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc, mầm mạ mới nhú thì đem gieo. Sau gieo phủ một lớp đất bột lên trên mống mạ khoảng 0,5cm. Sau gieo 2 ngày mạ mọc mũi chông mới được tưới nước. Sử dụng lưới đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng, đến khi mạ được 1 lá thật mới bỏ lưới ra.

- Tiêu chẩn cây mạ: Số lá từ 2,5 - 3,0 lá, mạ cứng cây, khỏe, đanh dảnh, màu sắc đặc trưng, không có sâu bệnh, bộ rễ không bám chặt vào nhau có thể dễ dàng tách các dảnh mạ.

d) Gieo và chăm sóc mạ sân

- Gieo trên nền sân xi măng thì không cần lót, gieo trên đất vườn, đất ruộng thì cần dọn sạch cỏ trên mặt luống sau đó dùng vỏ bao xi măng trải kín mặt luống, dùng bùn nhuyễn rải đều lên mặt luống một lớp dày 2 - 3cm với chiều rộng luống từ 1,2 - 1,4m , diện tích 4 - 5m2  bón 0,6kg phân vi sinh + 200gam NPK (loại 5:10:3).

- Mộng mạ đạt rễ dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc, mầm mạ mới nhú thì đem gieo. Sau khi gieo phải luôn giữ nước cho mặt luống ẩm, tuyệt đối không để mặt luống bị khô hay đọng nước. Sử dụng lưới đen đen để che cho mạ nếu trời nắng nóng, đến khi mạ được 1 lá thật mới bỏ lưới ra.

- Tiêu chẩn cây mạ: số lá từ 2,5 - 3,0 lá, mạ cứng cây, khỏe, đanh dảnh, màu sắc đặc trưng, không có sâu bệnh, bộ rễ không bám chặt vào nhau có thể dễ dàng tách các dảnh mạ.

Lưu ý: Khi đưa mạ ra ruộng cấy 2 - 3 ngày phải sử dụng thuốc để phu trừ rầy lưng trắng cưỡng bức đề phòng bệnh lùn sọc đen.

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
111680

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 35

Hôm qua: 0