Trang thông tin điện tử xã Khánh Cư
Chào mừng bạn đến với Website xã Khánh Cư - huyện Yên khánh- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
87348

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 22

Hôm qua: 0

Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

Thứ sáu, 03/02/2023

Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

Ninh Bình - Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực của chuyển đổi số, Ninh Bình đang hướng tới mục tiêu "vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân".

Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) được xây dựng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Trường

Lấy người dân làm trung tâm

Ngày 20.4.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, tỉnh Ninh Bình xác định: Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân giàu hơn và xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. 

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã Yên Hòa. Ảnh: Nguyễn Trường

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường

Với quan điểm "lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số", tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi số trong các hoạt động, đời sống thường ngày, đem đến tiện ích thiết thực để người dân thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. 

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Để tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. 

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.  

"Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và chuyển đổi số nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử" - ông Sơn chia sẻ. 

Người dân trải nghiệm những tiện ích từ chuyển đổi số 

Nhờ bắt nhịp xu hướng, người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số và trải nghiệm những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.

Ông Đoàn Trung Nam - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, Ninh Bình) cho biết: Việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” trên địa bàn xã Yên Hòa được thực hiện theo mô hình thí điểm do Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) nghiên cứu hướng dẫn và được triển khai từ năm 2020.

Sau gần 2 năm triển khai, thực hiện Chương trình “Xây dựng xã thông minh”, xã Yên Hòa đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là tạo ra sự thay đổi rõ nét về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã về chuyển đổi số. 

UBND xã đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng, tạo thêm nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS do Viettel cung cấp, hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số”... đã giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị đến trang thông tin của cơ quan, đơn vị trên Zalo page với đa dạng thông tin tuyên truyền cũng như nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của xã.

Hướng dẫn người dân cài đặt các app để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Trường

Hướng dẫn người dân cài đặt các app để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Trường

"Chuyển đổi số đã giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận thông tin dịch vụ. Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống cho người dân" - ông Nam chia sẻ. 

Một trong những tiện ích từ chuyển đổi số mà nhiều người dân có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất, đó chính là những tác động đến từ "kinh tế số". Trong đó, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

"Nhờ có sự hỗ trợ giao dịch đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử mà các sản phẩm của người dân chúng tôi được tiêu thụ khắp thị trường trong toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng giúp người dân chúng tôi thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của người dân" - chị Trịnh Thị Hòa, thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ.

Nguồn: Báo Lao động

Bài viết khác